Không chỉ vạch ra những chứng cứ cho thấy tòa cấp sơ thẩm suy diễn không có căn cứ trong quá trình xét xử vụ “lình xình” tại Hapulico, bản án của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao còn “điểm mặt” nhiều điều bất thường khác của tòa án cấp dưới trong vụ việc này.
>> Tòa án cấp sơ thẩm suy diễn không có căn cứ
>> Vừa được “minh oan” lại phải đối mặt với phán quyết mới
>> Vừa được “minh oan” lại phải đối mặt với phán quyết mới
Cùng chung lưng đấu cật ngay từ những ngày gian khó để lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Hapulico, thực hiện dự án bất động sản rộng 43.332,2m2 tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đến ngày “đơm hoa kết trái”, Công ty Ba Đình bị "gạt" ra ngoài. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Vi phạm Luật Doanh nghiệp
Tại bản án phúc thẩm số 21/2011/KDTM-PT ngày 27/01/2011 Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội nêu rõ:Khoản 2 Điều 105 Luật Doanh nghiệp và khoản 34.2 Điều 34 Điều lệ của Hapulico quy định về thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông như sau: “Hội đồng quản trị phải chuẩn bị phiếu lấy ý kiến, dự thảo quyết định của Đại hội cổ đông và các tài liệu giải trình dự thảo quyết định và tài liệu giải trình dự thảo quyết định. Phiếu lấy ý kiến kèm theo dự thảo quyết định và tài liệu giải trình phải được gửi bằng phương thức bảo đảm đến địa chỉ thường trú từng cổ đông”.
Ngày 1/7/2009, HĐQT Công ty Hapulico ra Quyết định số 23/2009/QĐ-HĐQT về việc lấy ý kiến bằng văn bản thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông với nội dung: Bãi miễn tư cách cổ đông của Công ty Ba Đình.
Tuy nhiên, ngoài phiếu lấy ý kiến nêu trên thì không gửi kèm theo dự thảo quyết định của Đại hội đồng cổ đông và các tài liệu giải trình dự thảo quyết định; không gửi phiếu lấy ý kiến và các tài liệu kèm theo cho cổ đông là Công ty Ba Đình theo quy định của pháp luật.
Thực tế quá trình giải quyết vụ kiện, các tài liệu liên quan đến việc lấy ý kiến bằng văn bản cũng như các tài liệu kèm theo khi tiến hành Đại hội đồng cổ đông không có trong hồ sơ vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Vì vậy, có căn cứ để xác định: Quyết định số 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 1/8/2009 của Đại hội đồng cổ đông Hapulico đã không thực hiện đúng trình tự và thủ tục ra quyết định tại khoản 2, Điều 105 Luật Doanh nghiệp và Điều 34 Điều lệ Công ty.
Như vậy, Quyết định số 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 1/8/2009 của Đại hội đồng cổ đông Hapulico đã vi phạm trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật và Điều lệ công ty, nên cần hủy bỏ theo quy định tài Điều 107 Luật Doanh nghiệp.
Cũng theo bản án của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội cho thấy: Nội dung của Nghị quyết số 31/1/2009/NQ-ĐHĐCĐBT ngày 11/8/2009 của Đại hội đồng cổ đông Haphulico là bước tiếp theo sau khi đã ra Quyết định số 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 1/8/2009 của Đại hội đồng cổ đông Hapulico, “Bãi miễn tư cách cổ đông” của Công ty Ba Đình từ ngày 1/8/2009 (là hệ quả của Quyết định số 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 1/8/2009).
Như đã phân tích của Hội đồng xét xử của Tòa phúc thẩm, việc “Bãi miễn tư cách cổ đông” của Công ty Ba Đình là không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Hapulico, Nghị Quyết số 31/1/2009/NQ-ĐHĐCĐBT ngày 11/8/2009 của Đại hội đồng cổ đông Haphulico được ra trên cơ sở xác định Công ty Ba Đình không còn là cổ đông của Hapulico nữa (theo nội dung của Quyết định số 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 1/8/2009), nên nó cũng đương nhiên vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Hapulico.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “Việc rút vốn dưới hình thức tín dụng đã làm Công ty Ba Đình đương nhiên mất tư cách cổ đông tại Hapulico theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 84 Luật Doanh nghiệp. Nghị quyết số 31/1/2009/NQ-ĐHĐCĐBT ngày 11/8/2009 của Hapulico là không vi phạm pháp luật, vì lúc này Công ty Ba Đình không còn là cổ đông của Hapulico”. Như đã phân tích ở trên, nhận định này của Tòa án sơ thẩm là suy diễn, không có căn cứ.
Việc Đại hội đồng cổ đông của Hapulico ra Nghị quyết số 31/1/2009/NQ-ĐHĐCĐBT ngày 11/8/2009, giao cho ba cổ đông sáng lập khác góp thay số vốn Công ty Ba Đình đã góp đủ vào Hapulico và thay đổi cơ cấu vốn điều lệ của Hapulico là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Vi phạm quyền của cổ đông
Ngoài ra, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội nêu rõ: Công ty Ba Đình đã và đang là cổ đông của Hapulico, có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty, nhưng Hội đồng quản trị Hapulico không triệu tập cổ đông là Công ty Ba Đình đến tham dự phiên họp Đại hội đồng cổ đông ngày 11/8/2009 là vi phạm quyền của cổ đông được quy định tại Điều 79 Luật Doanh nghiệp.
Mặt khác, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lại đưa thêm nội dung bãi miễn tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Tiến Trung là vi phạm khoản 2, Điều 99, Điều 100, Điều 101 Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, Nghị quyết số 31/1/2009/NQ-ĐHĐCĐBT ngày 11/8/2009 của Đại hội đồng cổ đông Hapulico cũng vi phạm cả về trình tự, thủ tục ra quyết định, và nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật và Điều lệ công ty nên cũng cần phải hủy bỏ.
Ông Lương Văn Phú, Giám đốc Công ty Ba Đình cho biết: “Công ty Ba Đình rất tin tưởng vào sự công minh, khách quan và đúng pháp luật của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao khi xét xử vụ án này". (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Tại bản án phúc thẩm số 21/2011/KDTM-PT ngày 27/01/2011 Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã quyết định:
“1. Hủy bỏ Quyết định số 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 01/08/2009 của Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Hapulico và Nghị quyết số 31/1/2009/NQ-ĐHĐCĐBT ngày 11/08/2009 của Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2009 của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico.
2. Xác định Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình là cổ đông sáng lập, sở hữu 2.640.000 cổ phần phổ thông, chiếm 24% vốn điều lệ của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico”.
Theo nhận định của nhiều doanh nhân, luật sư và những người am hiểu pháp luật thì bản án phúc thẩm của TAND Tối cao được dư luận đánh giá là bản án xét xử "thấu tình, đạt lý".
Ngày 11/9, trao đổi với PV Dân trí, ông Lương Văn Phú, Giám đốc Công ty Ba Đình cho biết: “Công ty Ba Đình rất tin tưởng vào sự công minh, khách quan và đúng pháp luật của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao khi xét xử vụ án này, để Tòa án thực sự là chỗ dựa tin cậy của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại niềm tin cho mọi người".
Thực tế các quy định của pháp luật hiện hành cũng như Luật Doanh nghiệp không có quy định nào ngăn cấm cổ đông vay tiền, tài sản để đầu tư cũng như thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua, mà chỉ quy định cổ đông có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và “không được rút vốn đã góp bằng cố phần phổ thông ra khỏi công ty dười mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần” (Khoản 1, Điều 80, Luật Doanh nghiệp).
Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét