Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Tòa án cấp sơ thẩm suy diễn không có căn cứ


Việc Công ty Ba Đình “bỗng dưng” bị “gạt” ra khỏi cổ đông của Công ty Hapulico đang được đông đảo bạn đọc quan tâm, bởi đây là Công ty đang triển khai dự án bất động sản rất lớn. Vậy, căn cứ vào đâu để tòa phúc thẩm hủy Quyết định của Hapulico.
Một số hồ sơ liên quan đến vụ "lình xình" tại Công ty Hapulico
 (Ảnh: Vũ Văn Tiến).
 
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả việc tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND Tối cao tại Hà Nội nhận định:
Theo quy định của Điều 107 Luật Doanh nghiệp thì tòa án chỉ xem xét, hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông chứ không xem xét, hủy bỏ quyết  định của Hội đồng quản trị và các biên bản kết quả kiểm phiếu, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, nên Tòa phúc thẩm chỉ xem xét đối với yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của Công ty Ba Đình xin hủy bỏ quyết định số 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 1/8/2009 và “Nghị quyết” số 31/1/2009/QĐ-DHĐCĐBT ngày 11/8/2009 của Đại hội đồng cổ đông Hapulico mà thôi.
Ngày 1/8/2009, bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, Đại hội đồng cổ đông Hapulico đã ra quyết định cố 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ với nội dung bãi miễn tư cách cổ đông của Công ty Ba Đình kể từ ngày 01/08/2009 theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Điều lệ công ty và khoản 3 Điều 84 Luật Doanh nghiệp. Quyết định này của Đại hội đồng cổ đông Hapulico không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của chính Hapulico, vì:
Công ty Ba Đình đã thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua là 2.640.000 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ, đã được chính Hapulico công nhận và Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội xác nhận tại Giấy chứng nhận  đăng ký kinh doanh. Khoản 11, Điều 4, Luật Doanh nghiệp quy định “Cổ đông là người sở hữu ít nhât 1 cổ phần đã được phát hành của Công ty cổ phần”, nên đương nhiên Công ty Ba Đình là cổ đông của Hapulico, hơn nữa Công ty Ba Đình còn là cổ đông sáng lập.
Khoản 3 Điều 84 Luật Doanh nghiệp chỉ điều chỉnh các trường hợp cổ đông sáng lập đã đăng ký mua cổ phần, nhưng không thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua. Trong vụ kiện này, cổ đông sáng lập là Công ty Ba Đình đã thanh toán đủ 2.640.000 cổ phần đăng ký mua trong thời hạn luật định không phải là trường hợp không thanh toán hay thanh toán chưa đủ, nên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Doanh nghiệp.
Mặt khác, Luật Doanh nghiệp không quy định việc bãi miễn tư cách của cổ đông trong công ty cổ phần, mà chỉ có quy định chính cổ đông mới có quyền rút ra khỏi công ty cổ phần trong trường hợp cổ đông đó bán toàn bộ cổ phần của mình cho công ty hoặc cho người khác theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 79; khoản 1 Điều 80; khoản 3,5 Điều 87, Điều 90 và Điều 91 Luật Doanh nghiệp.
Việc Hapulico cho hai pháp nhân là cổ đông của mình vay tiền là một trong những quyền hợp pháp của doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2, Điều 8, Luật  Doanh nghiệp: doanh nghiệp có quyền “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ, sử dụng vốn”. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Tiến Trung khai: các hợp đồng cho hai cổ đông vay tiền là đã có sự thống nhất miệng trong Hội đồng Quản trị. Tại thời điểm hai cổ đông vay tiền thì ông Trung và ông Phạm Đình Mạnh đều là thành viên Hội đồng Quản trị của Hapulico, ông Trung còn đồng thời giữ chức vụ Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Hapulico. Việc ông Mạnh không thừa nhận có sự bàn bạc trong Hội đồng Quản trị về việc cho vay tiền là không phù hợp với các hợp đồng vay tiền do chính ông đại diện cho Công ty Đô thị và Thương mại ký vay của Hapulico.
Khi Công ty Ba Đình chuyển đủ 41 tỷ đồng để góp vào vốn điều lệ của Hapulico, thì tại thời điểm đó, số tiền góp vốn này đã thuộc quyền sở hữu của Hapulico. Việc Hapulico do ông Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Trung (đại diện theo pháp luật) đại diện ký 3 hợp đồng tín dụng cho Công ty Ba Đình vay 45 tỷ đồng, thời hạn vay 6 tháng và 3 hợp đồng tín dụng cho Công ty Đô thị và thương mại vay 52 tỷ đồng, thời hạn vay 9 tháng là quan hệ vay tài sản giữa hai pháp nhân là Hapulico với Công ty Ba Đình và giữa Hapulico với Công ty Đô thị và thương mại, không liên quan đến quan hệ góp vốn thành lập Hapulico.
Tại các hợp đồng vay tài sản đều có chữ ký của người đại diện hợp pháp và  đóng dấu của các pháp nhân; việc thực hiện các hợp đồng cho vay được chuyển khoản qua ngân hàng, nên không có căn cứ để xác định đây là việc rút vốn và che dấu hành vi rút vốn như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, cũng như quan điểm của Hapulico, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các luật sư bảo vệ cho họ.
Trong trường hợp có tranh chấp về các hợp đồng vay tài sản nêu trên, Hapulico có quyền kiện Công ty Ba Đình ra tòa án để được giải quyết. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận quan điểm của Hapulico, xác định việc vay tiền của Công ty Ba Đình nhưng không trả nợ đúng hạn là hành vi rút vốn và lấy đó làm lý do để chấp nhận việc bãi miễn tư cách cổ đông của Công ty Ba Đình trong Hapulico là suy diễn không có căn cứ và không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Hapulico.
Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận quan điểm của Hapulico, xác định: bằng 3 hợp đồng vay tài sản giả cách, Công ty Ba Đình đã rút quá số vốn góp ra khỏi Hapulico, nên không còn tư cách cổ đông vì không còn đến 1 cổ phần trong Hapulico. Nhận định này của Tòa án cấp sơ thẩm và của Hapulico là không có căn cứ, bởi lẽ sau khi đã thanh toán đủ số cố phần cam kết mua (41 tỷ đồng), Công ty Ba Đình đã là chủ sở hữu của 2.640.000 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ của Hapulico.
Hơn nữa, tại thời điểm chuyển ngân theo 3 hợp đồng vay tài sản, giá cả thực tế mỗi cố phần của Hapulico là bao nhiêu thì Hapulico và các người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án không đưa ra được chứng cứ để xác định, nên không có căn cứ để khẳng định Công ty Ba Đình vay 45 tỷ đồng là đã rút quá số vốn đã góp ra khỏi Hapulico; không có căn cứ gì để khẳng định Công ty Ba Đình không còn sở hữu 1 cổ phần nào của Hapulico.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định “3 hợp đông tín dụng Hapulico cho Công ty Ba Đình vay trên, thực chât là để Công ty Ba Đình thực hiện hành vi rút toàn bộ vốn tại Hapulico”; “Công ty Ba Đình đã rút hết vốn đương nhiên không còn là cổ đông của Hapulico nữa” là không có căn cứ và không phù hợp với các quy định của pháp luật đã nhận định, phân tích nêu trên.
Hapulico cho rằng Công ty Ba Đình không có khả năng tài chính, phải đi vay tiền để góp vốn vào Hapulico theo cam kết (vay của Công ty Đầu tư và thương mại 24 tỷ đồng và vay của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội 20 tỷ đồng).
Thực tế các quy định của pháp luật hiện hành cũng như Luật Doanh nghiệp không có quy định nào ngăn cấm cổ đông vay tiền, tài sản để đầu tư cũng như thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua, mà chỉ quy định cổ đông có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và “không được rút vốn đã góp bằng cố phần phổ thông ra khỏi công  ty dười mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần” (khoản 1 Điều 80 Luật Doanh nghiệp).
 
Tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103000455 ngày 30/07/2001 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội thì Công ty Ba Đình có vốn điều lệ là 168 tỷ đồng. Tại kết quả kiểm toán năm 2008 của Công ty kiểm toán và kế toán Hà Nội ngày 15/4/2009 thì tổng cộng nguồn vốn của Công ty Ba Đình là 198.074.296.106 đồng. Và tại kết quả kiểm toán năm 2009 của Công ty Kiểm toán Việt nam đề ngày 15/06/2010 thì tài sản ngắn hạn của Công ty Ba Đình là 256.877.457.927 đồng; tài sản dài hạn (các khoản phải thu) là 208.663.139.826 đồng.
 
Như vậy, nhận định trên của Hapulico về khả năng tài chính của Công ty Ba Đình là không có căn cứ. Với những phân tích trên, có căn cứ để xác định: nội dung của Quyết định số 29/2009/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 01/08/2009 của Đại hội đồng cổ đông Hapulico đã vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của chính Hapulico.
(Còn nữa)
 
Vũ Văn Tiến-Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét