Từ vụ việc tại Hapulico Complex, cổ đông lớn của các công ty có cổ phiếu dưới mệnh giá sẽ mượn danh nghĩa vay tiền để rút vốn bằng mệnh giá?
ĐTCK số có loạt bài phản ánh vụ cổ đông Hapulico tước quyền của nhau, phản ánh vụ kiện về việc CTCP Tư vấn và đầu tư bất động sản Ba Đình (“Công ty Ba Đình”) bị bãi miễn tư cách cổ đông.
Công ty Ba Đình, một cổ đông nắm giữ 24% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư bất động sản Hapulico (“Công ty Hapulico”), đã vay Hapulico 45 tỷ đồng theo 3 hợp đồng tín dụng ngắn hạn 6 tháng vào năm 2008.
Sau đó, Hapulico suy diễn các hợp đồng tín dụng này thành rút vốn, nên lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và ra nghị quyết ĐHCĐ bãi miễn tư cách cổ đông của Công ty Ba Đình. Không chấp nhận, Công ty Ba Đình có đơn khởi kiện lên TAND TP Hà Nội. Đến nay, đã có 4 bản án về vụ kiện này, song vụ việc vẫn chưa thể khép lại.
Nhìn lại vụ việc, nhiều chuyên gia kinh tế và luật sư cho rằng, mấu chốt vấn đề là việc nhận định hợp đồng tín dụng ở đây là hành vi vay thương mại hay rút vốn? Lật lại 3 hợp đồng tín dụng mà Hapulico ký với Công ty Ba Đình, cả 3 hợp đồng đều không nhắc tới khoản góp vốn của Công ty Ba Đình và cũng không có điều khoản nào thể hiện việc vay vốn được đảm bảo bởi số cổ phần này.
Như vậy, xem xét trên hình thức hợp đồng thì quan hệ ở đây là quan hệ vay thương mại. Trong trường hợp bên vay là Công ty Ba Đình không trả được nợ hoặc trả chậm thì phải chịu lãi phạt, bị kiện đòi lại tài sản đã vay. Việc tước quyền cổ đông của Công ty Ba Đình là không đúng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng, cần xem xét bản chất của hành vi vay mượn nêu trên. Vào thời điểm Công ty Ba Đình vay 45 tỷ đồng, Hapulico mới được thành lập, chưa có hoạt động và nguồn vốn chỉ có vốn chủ sở hữu. Khi Công ty Ba Đình vay tiền, thực chất là vay chính vốn chủ sở hữu. Vậy phải nhìn nhận hành vi vay vốn chủ sở hữu này như thế nào? Có phải là rút vốn không? Bản án sơ thẩm ngày 3/1 đã bác đơn khởi kiện của Công ty Ba Đình với nhận định, việc vay vốn của Công ty Ba Đình là hành vi che giấu việc rút vốn. Trong trường hợp này, Tòa án coi việc vay vốn chủ sở hữu là hành vi rút vốn.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, một trong những chuyên gia kinh tế tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp cho biết, Luật Doanh nghiệp không cho phép cổ đông rút vốn khỏi công ty dưới mọi hình thức. Khoản 1 Điều 80 Luật Doanh nghiệp quy định: “Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức”.
Ông Cung giải thích, sở dĩ việc rút vốn bị cấm là vì còn liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ phát sinh với các bên thứ ba. Khi góp vốn vào một công ty, người góp vốn phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với trách nhiệm phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty đó. Người góp vốn có quyền chuyển nhượng phần vốn góp (chuyển nhượng cổ phần), song không được phép rút vốn.
Rút vốn là hành vi bị cấm, nhưng thực tế, tại không ít công ty có tình trạng rút vốn núp dưới nhiều hình thức khác nhau, mà việc cổ đông lớn vay vốn từ chính DN góp vốn là phổ biến. Vấn đề đặt ra là nếu coi việc vay vốn chủ sở hữu là hành vi rút vốn thì phải ứng xử với hành vi này như thế nào?
Trong trường hợp này, theo ông Cung, hành vi rút vốn không đồng nghĩa với việc mất quyền cổ đông, mà khi có hành vi rút vốn trái luật, phải yêu cầu hoàn trả lại vốn, bồi thường thiệt hại (nếu có) và chịu trách nhiệm vô hạn đối với khoản nợ phát sinh hoặc kiện cáo (nếu có).
Còn theo luật sư Đoàn Trọng Bằng, Công ty Luật Đại Việt, Điều 128 Bộ luật Dân sự quy định, giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu có thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp của Công ty Ba Đình, nếu coi việc vay vốn là hành vi rút vốn thì cần yêu cầu các bên hoàn trả lại cho nhau và Công ty Ba Đình vẫn là cổ đông của Hapulico.
Không ít ý kiến cho rằng, khi thừa nhận hành vi vay vốn từ DN của cổ đông lớn là rút vốn sẽ để lại tiền lệ xấu cho thị trường và có nhiều hệ lụy phát sinh. Hiện hàng trăm cổ phiếu có giá thấp hơn mệnh giá, những cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn, có thể mượn danh nghĩa vay tiền để rút vốn với giá bằng mệnh giá khỏi công ty. Như vậy, những hậu quả của việc rút vốn này sẽ được giải quyết ra sao?
Theo ĐTCK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét